Diễn biến Chiến_tranh_Hán-Triều_Tiên

Năm 109 TCN, Hán Vũ Đế chia quân hai đường tấn công Triều Tiên.[8] Đạo thứ nhất do Lâu thuyền tướng quân, Tương Lương hầu Dương Bộc một tướng lĩnh có kinh nghiệm dẫn dắt thủy quân trong cuộc xâm lăng Nam Việt (111 TCN),[9] dẫn thủy quân từ đất Tề (bán đảo Sơn Đông ngày nay) vượt vịnh Bột Hải. Đạo thứ hai do Tả tướng quân Tuân Trệ, vốn là thuộc cấp của Trường Bình hầu Vệ Thanh và có kinh nghiệm chiến đấu chống Hung Nô, dẫn 5 vạn quân quân từ Liêu Đông vượt sông Mã Tí[10] để đi thẳng tới kinh đô Vương Hiểm.[11]

Hữu Cừ vương dẫn quân trấn thủ các nơi hiểm yếu. Tuân Trệ trong mùa đông nhiều lần phát động tiến công nhưng đều thất bại. Quân đội tán loạn và rút về Liêu Đông. Dương Bộc sau đó dẫn thủy quân 7.000 người tập kích Vương Hiểm. Quân giữ thành phát hiện ra quân Hán ít nên chuyển sang phát động thế công. Quân Hán thua trận, Dương Bộc chạy vào trong núi ẩn nấp hơn 10 ngày mới dám ra thu thập tàn quân.[4] Tuân Trệ dẫn quân tới phía tây Triều Tiên lần nữa, hòng vượt sông Mã Tí, nhưng vẫn không thành công.[1]

Hán Vũ Đế biết tin và nhận thấy cường công không thể thắng. Ông liền sai Vệ Sơn (卫山) làm sứ giả đến khuyên Vệ Hữu Cừ đầu hàng. Hữu Cừ đáp ứng và dâng 5.000 con ngựa cùng thái tử sang Trường An làm con tin. Ông phái 10.000 người hộ tống và cung cấp lương thực cho quân Hán.[4] Trên đường đi, tướng lĩnh nhà Hán cùng thái tử Triều Tiên xảy ra mâu thuẫn. Vệ Sơn cùng Tuân Trệ nghi ngờ đây là gian kế của Triều Tiên. Sau khi đoàn người đến sông Phối, họ yêu cầu tước vũ khí của đoàn hộ tống. Thái tử nổi giận, không chịu qua sông và bỏ về.[12] Sau khi Vệ Sơn về đến kinh đô, Hán Vũ Đế biết chuyện vô cùng tức giận liền hạ lệnh giết Vệ Sơn.[4]

Tuân Trệ phá được phòng tuyến sông Phối của Triều Tiên, hội quân với Dương Bộc ở thành Vương Hiểm. Tuân Trệ cho quân đóng giữ phía bắc thành. Dương Bộc cho quân đóng giữ phía nam. Hữu Cừ thủ vững thành trì liên tục mấy tháng. Trong lúc bao vây thành, Tuân Trệ và Dương Bộc nảy sinh mâu thuẫn. Các đại thần của Triều Tiên cho người bí mật liên lạc với Dương Bộc để xin hàng, nhưng Dương Bộc do dự và tiếp tục kéo dài chiến sự. Tuân Trệ cho người dụ hàng thì người Triều Tiên không chịu. Hán Vũ Đế phái thái thú Tế Nam Công Tôn Toại (公孫遂; Gongsun Sui) đến điều tra lý do chiến sự đình trệ. Công Tôn Toại cùng Tuân Trệ hợp mưu bắt giữ Dương Bộc nhằm thâu tóm quân đội.[9] Hán Vũ Đế biết chuyện liền ra lệnh giết Toại[13] nhưng tạm thời vẫn để Tuân Trệ thống nhất chỉ huy quân đội.[4]

Tuân Trệ lần nữa tấn công Vương Hiểm. Các quan viên Triều Tiên gồm thừa tướng Lộ Nhân (노인; 路人; No In), tướng Hàn Đào (한도; 韓陶; Han Do), và tướng quân Vương Giáp (왕겹; 王唊; Wang Gyeop) đầu hàng. Năm 108 TCN, tướng trấn thủ Ni Khê (니계; 尼谿; Nigye) là Sâm (삼; 參; Sam) cử sát thủ sát hại Hữu Cừ vương để đem đầu tới hàng Hán. Tuy nhiên, đại thần Thành Tị (成己; Seong Gi) phát động nổi dậy, thu phục thành Vương Hiểm và tiếp tục chống trả quân Hán.[14] Tuân Trệ sai con trai của Hữu Cừ là Vệ Trường Hàng (위장항; 衛長降; Wi Jang) cùng con trai của Lộ Nhân là Lộ Tối (노최; 路最; No Choe) dụ hàng dân chúng và sát hại Thành Tị.[15] Năm 108 TCN, Vệ Mãn Triều Tiên hoàn toàn diệt vong.[11]